Dinh dưỡng cho mẹ bầu trong từng giai đoạn của thời kỳ mang thai luôn là vấn đề rất quan trọng và nhận được sự quan tâm hàng đầu. Bởi chế độ dinh dưỡng sẽ có ảnh hưởng rất lớn tới sự hình thành và phát triển toàn diện của thai nhi. Mặc dù thế, ở mỗi giai đoạn phát triển khác nhau trong thai kỳ, nhu cầu về dinh dưỡng và chế độ ăn của mẹ lại có sự thay đổi, do đó cần có sự tìm hiểu kỹ càng. Thông qua bài viết này, hãy cùng Sức khỏe bà bầu tìm hiểu về chế độ dinh dưỡng cho bà bầu trong 3 tháng đầu thai kỳ.
Nội dung bài viết
Chế độ dinh dưỡng 3 tháng đầu của thai kỳ quan trọng như thế nào?

Khi mẹ mang thai, ba tháng đầu của thai kỳ là thời điểm hết sức quan trọng đối với sự phát triển của bé. Ở giai đoạn này, bé phát triển rất nhanh chóng với việc hình thành nên các cơ quan cho một cơ thể hoàn chỉnh.
Ở tháng đầu tiên, miệng, hàm dưới và cổ họng của bé được hình thành và phát triển. Các tế bào máu và hệ tuần hoàn cũng được hình thành.
Trong tháng thứ hai của thai kỳ, các đặc điểm trên khuôn mặt của bé tiếp tục phát triển với sự xuất hiện của tai. Cùng với đó là sự hình thành của tay, chân, ngón tay, ngón chân và mắt. Ống thần kinh cũng được hình thành trong thời gian này. Đường tiêu hóa và các cơ quan cảm giác bắt đầu phát triển. Xương bắt đầu thay thế sụn.
Vào cuối tháng thứ ba, cơ thể bé đã hình thành đầy đủ với cánh tay, bàn tay, ngón tay, bàn chân, ngón chân và có thể mở, đóng nắm tay và miệng. Móng tay, móng chân đang bắt đầu phát triển [1] Theo WebMD, “The First Trimester: Your Baby’s Growth and Development in Early Pregnancy”, xem tại: https://www.webmd.com/baby/1to3-months, Truy cập ngày 20/03/2022 . Răng và cơ quan sinh dục cũng đang được hình thành.
Vì thế một chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng cho mẹ sẽ giúp cung cấp được cho bé một môi trường với đủ dưỡng chất để hình thành và phát triển ở giai đoạn này.
Ngoài ra, trong 3 tháng đầu nếu mẹ không đảm bảo được đầy đủ dinh dưỡng thì có thể dẫn đến giảm sức đề kháng và tăng nguy cơ mắc một số bệnh truyền nhiễm, thậm chí mẹ có thể bị sảy thai. Đối với bé, việc thiếu chất có thể làm cho bé chậm phát triển về thể chất và trí não [2]Theo Entertainment Times, “Why is the first trimester of your pregnancy crucial?”, xem tại: … Continue reading.
Do đó, chế độ dinh dưỡng trong 3 tháng đầu thai kỳ đóng vai trò hết sức quan trọng với cả mẹ và bé.
Các dưỡng chất thiết yếu cần bổ sung cho các mẹ trong 3 tháng đầu
Trong ba tháng đầu của thai kỳ diễn ra sự phát triển rất quan trọng của thai nhi và nguy cơ sảy thai cho mẹ ở thời kỳ này cũng cao hơn. Vì vậy, một chế độ dinh dưỡng đầy đủ và và hợp lý cho mẹ ở giai đoạn này rất cần được quan tâm. Vậy những dưỡng chất thiết yếu nào cần bổ sung cho các mẹ trong ba tháng đầu này?
Năng lượng
Theo khuyến cáo của Viện dinh dưỡng Quốc gia Việt Nam, phụ nữ khi mang thai sẽ có nhu cầu năng lượng tăng cao hơn so với những phụ nữ bình thường. Trong ba tháng đầu của thai kỳ, năng lượng cần cung cấp một ngày cho mẹ bầu là 2200kcal/ngày.
Protein
Trong ba tháng đầu của thai kỳ, nhu cầu protein hay chất đạm của mẹ bầu là 61g/ngày[3] Theo Viện dinh dưỡng quốc gia. “Nhu cầu chất đạm (protein) với phụ nữ trong thời kỳ có thai”, xem tại: … Continue reading. Đây là một chất rất cần thiết cho quá trình tạo hình khối cho cơ, xương, hệ miễn dịch, nội tiết tố, mô liên kết, những cơ quan nội tạng của cả mẹ và thai nhi. Chúng cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc kích hoạt một số enzym trong cơ thể. Do đó, protein rất cần thiết cho sự phát triển khỏe mạnh của thai nhi.
Axit Folic
Axit Folic hay vitamin B9 là một chất rất quan trọng cho sự hình thành và phát triển não và tủy sống của thai nhi. Trong thai kỳ, hàm lượng acid folic mỗi ngày cần cung cấp cho mẹ tăng lên để đáp ứng được nhu cầu của cả mẹ và bé. Thực đơn một ngày của các mẹ bầu cần cung cấp đủ 400mcg axit folic [4]Theo Viện dinh dưỡng quốc gia, “Vai trò của acid folic trong dự phòng dị tật thai nhi”, xem tại: … Continue reading.
Nếu thiếu hụt chất này, có thể dẫn đến những hậu quả xấu cho cả mẹ và bé với việc thiếu máu hồng cầu khổng lồ, mẹ có nguy cơ sảy thai cao, sinh non, sinh con nhẹ cân. Thai nhi thiếu acid folic trong giai đoạn phát triển có thể dẫn đến các dị tật bẩm sinh về ống thần kinh. Do đó cần bổ sung đủ acid folic cho mẹ từ những ngày đầu mang thai hoặc 3 tháng trước thai kỳ.
Canxi
Canxi là một khoáng chất quan trọng cho sự hình thành và phát triển của hệ xương khớp chắc khỏe cho thai nhi. Do đó, khi mang thai trong 3 tháng đầu tiên mẹ cần bổ sung cho cơ thể khoảng 800mg canxi mỗi ngày để đảm bảo cho việc phát triển tốt hệ xương ở trẻ và đảm bảo cho hệ xương của mẹ.
Sắt
Sắt là một khoáng chất thiết yếu, cần thiết cho sự tổng hợp nên hemoglobin – một thành phần quan trọng của máu. Bên cạnh đó, trong thời kỳ mang thai, thể tích máu của người mẹ tăng 50% để có thể cung cấp đủ oxy cho cả mẹ và bé. Do đó, phụ nữ khi mang thai cần bổ sung đủ sắt cho cho cơ thể ngay từ những ngày đầu.
Trong ba tháng đầu, nhu cầu sắt của mẹ là khoảng 30mg/ ngày. Việc thiếu sắt sẽ ảnh hưởng rất lớn tới mẹ và thai nhi, tuy nhiên cần bổ sung sắt cho đủ lượng khuyến cáo một ngày, không nên bổ sung quá nhiều dẫn đến thừa sắt.
Vitamin D
Vitamin D là một loại vitamin đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của hệ thống miễn dịch, phát triển răng và xương khỏe mạnh và quá trình phân chia tế bào ở trẻ.
Ngoài ra, để việc bổ sung canxi cho cơ thể một cách hiệu quả, cần bổ sung thêm vitamin D để làm chất dẫn để điều tiết và tăng cường khả năng hấp thụ canxi vào xương.
Vitamin B6
Trong ba tháng đầu của thai kỳ, phụ nữ mang thai có tình trạng ốm nghén, tình trạng ốm nghén có thể đạt đỉnh điểm ở tuần thứ 9 và có thể bắt đầu giảm vào cuối tuần thứ 12. Bổ sung vitamin B6 cho mẹ bầu giai đoạn này giúp mẹ chống lại cảm giác buồn nôn và nôn.
Vitamin C

Vitamin C rất cần thiết cho cả mẹ và bé trong thai kỳ, nó có vai trò lớn trong việc làm tăng sức đề kháng của cơ thể, đồng thời hỗ trợ hấp thu sắt từ bữa ăn, góp phần phòng chống thiếu máu do thiếu sắt.
Nhu cầu vitamin C dành cho phụ nữ có thai là khoảng 80mg/ ngày.
Thực đơn cho bà bầu 3 tháng đầu
Ba tháng đầu của thai kỳ là giai đoạn quan trọng cho sự hình thành của bé và tạo tiền đề cho sự phát triển toàn diện vào 6 tháng tiếp theo. Chính vì thế, việc lên thực đơn cho mẹ bầu với đầy đủ các loại dưỡng chất thiết yếu cần thiết cho một ngày là hết sức quan trọng.
Theo tháp dinh dưỡng cho bà mẹ có thai và cho con bú (2016 – 2020) của Viện dinh dưỡng Quốc gia Việt Nam thì mức tiêu thụ hợp lý một ngày của mẹ bầu trong 3 tháng đầu thai kỳ như sau:
Đường: < 5 đơn vị
Muối: < 5 gam |
1 đơn vị = Đường 5g = Kẹo lạc 8g = Mật ong 6g
5 g = Muối 5g = Bột canh 8g = Hạt nêm 11g = Nước mắm 25g = Xì dầu 35g |
Dầu mỡ: 5 đơn vị | 1 đơn vị = Dầu 5g = Mỡ 5g = Bơ 6g |
Sữa: 3 đơn vị | 1 đơn vị = Sữa nước 100ml = Sữa chua 100g = Phomat 15g |
Thịt/ Thủy sản/ Trứng, đậu, đỗ: 5 đơn vị | 1 đơn vị = Thịt lợn 31g = Thịt gà 42g = Trứng gà 47g = Cá 35g = Tôm 30g = Đậu phụ 58g |
Rau: 3 đơn vị
Quả: 3 đơn vị |
1 đơn vị = 80g |
Ngũ cốc: 12 đơn vị | 1 đơn vị = Cơm tẻ 55g = Bánh mì 37g = Khoai tây 95g = Khoai lang 84g
2 đơn vị = Cơm tẻ 110g = Bánh phở 120g = Ngô 120g = Bánh mì 74g |
Nước: 8 đơn vị | 1 đơn vị = 200ml nước |
Bên cạnh đó, có một số điều khi lên thực đơn hàng này cho mẹ bầu trong từng tháng phát triển của bé cần lưu ý dưới đây.
Thực đơn cho tháng đầu tiên của thai kỳ
Trong tháng đầu tiên của thai kỳ, trước khi ra khỏi giường khoảng 15 đến 20 phút, mẹ có thể bổ sung cho cơ thể một bữa ăn nhẹ giàu carbohydrate có thể là các loại hạt, ngũ cốc, bánh quy mặn, hay các loại hoa quả sấy khô.
Với ba bữa ăn chính, các mẹ có thể chia thành 6 bữa ăn nhỏ mỗi ngày, với các bữa phụ xen kẽ với bữa chính. Trong các bữa ăn chính, thực đơn cho mẹ bầu nên chọn các loại thực phẩm dễ tiêu hóa, kết hợp ăn tinh bột cùng nguồn protein nạc từ thịt gà, cá và các loại rau xanh, trái cây.
Bên cạnh đó việc bổ sung sữa ít béo vào các chế phẩm từ sữa vào các bữa sáng và buổi tối cũng rất cần thiết cho phụ nữ đang mang thai.
Đặc biệt, ngay từ tháng đầu của thai kỳ, mẹ bầu nên uống các thực phẩm bổ sung axit folic cho cơ thể để có thể đáp ứng đủ cho nhu cầu của thai nhi cũng như của mẹ. Ngoài ra, axit folic cũng có thể được cung cấp từ các loại thực phẩm giàu dưỡng chất này như các loại rau xanh đậm, bánh mì và ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu.
Thực đơn cho tháng thứ hai của thai kỳ

Khi mang thai, bắt đầu từ tuần thứ 6 của thai kỳ những cơn ốm nghén bắt đầu xuất hiện thường xuyên khiến mẹ gặp rất nhiều khó khăn trong việc ăn uống và bổ sung đầy đủ dưỡng chất vào cơ thể. Do đó, khi lên thực đơn cho mẹ bầu không những cần đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng mà còn nên tránh những thực phẩm khiến mẹ buồn nôn và nôn.
Những thực phẩm trong chế độ dinh dưỡng cho bà bầu tháng thứ hai cần đa dạng, phong phú hơn tháng đầu tiên. Các loại thực phẩm vẫn nằm trong nhóm thực phẩm thiết yếu bao gồm: các loại ngũ cốc, bánh mì, rau, trái cây, sữa, chế phẩm từ sữa, thịt và các loại đậu.
Các món ăn trong các bữa nên tập trung vào chất lượng và hàm lượng dinh dưỡng cho mẹ và bé, cần chế biến dễ ăn và hạn chế những mùi hương làm mẹ ốm nghén.
Ngoài ra, mẹ cần bổ sung 2 ly sữa ít béo mỗi ngày để cung cấp đủ lượng canxi cần thiết cho sự phát triển của trẻ nhỏ và nhu cầu của mẹ. Axit folic vẫn cần được mẹ bổ sung đầy đủ trong tháng thứ hai này.
Thực đơn cho tháng thứ ba của thai kỳ
Tháng thứ ba của thai kỳ là giai đoạn mà tình trạng ốm nghén trầm trọng hơn, đỉnh điểm vào tuần thứ 9 của thai kỳ. Thực đơn cho mẹ bầu trong thời kỳ này vẫn theo cấu trúc bữa ăn chia thành 6 bữa ăn với là 3 bữa chính và 3 bữa ăn nhẹ mỗi ngày [5] Theo Sở Y tế tỉnh Nam Định, “Chế độ dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai 3 tháng đầu”, xem tại: … Continue reading. Vào cuối tháng thứ 3, cơ thể mẹ sẽ tăng khoảng 0,4 – 1,7kg.
Trong thời gian này, mẹ bầu nên ăn nhiều rau và trái cây trong mỗi bữa ăn, bổ sung dưỡng chất qua các món ăn giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất như các loại hạt, trái cây sấy khô,…
Mẹ bầu cũng cần bổ sung đủ lượng nước cần cho cơ thể uống ít nhất 8 ly nước mỗi ngày cùng với đó là nước từ các loại trái cây tươi, canh.
Sữa ít béo và axit folic vẫn cần được bổ sung hàng ngày để cung cấp đúng và đủ lượng dưỡng chất cho mẹ và bé.
Các loại khoáng chất, vitamin cần được bổ sung thêm, mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
Ngoài ra, mẹ bầu cũng nên nghỉ ngơi nhiều, vận động nhẹ nhàng, tránh các hoạt động quá sức có thể ảnh hưởng xấu tới thai nhi.
Bị ốm nghén cần làm gì để đảm bảo được dinh dưỡng cho thai nhi?

Ốm nghén là một triệu chứng của phụ nữ khi mang thai của thường diễn ra trong 3 tháng đầu của thai kỳ, sau đó giảm dần trong các tháng tiếp theo. Tình trạng này khiến cho các mẹ bầu cảm thấy nôn và buồn nôn do sự tăng tiết hormon HCG, sự nhạy cảm của khứu giác hay sự thay đổi của đường tiêu hóa.
Chính vì thế, việc ăn uống hằng ngày và hấp thu chất dinh dưỡng cần thiết cho mẹ và bé trở nên khó khăn hơn. Vậy để trong giai đoạn ốm nghén này, mẹ cần phải làm gì để vẫn đáp ứng được đủ nhu cầu dinh dưỡng cho thai nhi?
- Ăn quá nhiều thực phẩm một lúc có thể làm tình trạng ốm nghén của mẹ khó chịu hơn, do đó, các mẹ nên chia nhỏ khẩu phần bữa ăn. Từ 3 bữa chính các mẹ có thể chia thành 6 bữa mà vẫn đáp ứng đầy đủ lượng chất dinh dưỡng một ngày.
- Tăng cường ăn bổ sung rau xanh, trái cây cho để cung cấp các chất dinh dưỡng, vitamin,.. cho cơ thể.
- Mẹ bầu nên sử dụng thêm những sản phẩm, thực phẩm có chứa gừng để giúp giảm tình trạng nôn, buồn nôn.
- Bổ sung đầy đủ lượng nước một ngày cho cơ thể cũng là một cách giúp mẹ trong giai đoạn này.
- Mẹ cũng cần tập thể dục thường xuyên, đều đặn với những bài tập nhẹ nhàng, dành cho mẹ bầu, nghỉ ngơi hợp lý, massage cho cơ thể trở nên linh hoạt, nhẹ nhàng hơn.
- Tránh các loại thực phẩm, gia vị gây mùi khó chịu, các loại đồ ăn cay nóng, chứa nhiều dầu mỡ,.. có thể làm tình trạng ốm nghén của mẹ trở nên khó chịu hơn.
Theo Viện dinh dưỡng Quốc gia Việt Nam, mẹ bầu có thể sử dụng một số công thức đồ uống dưới đây để giảm bớt tình trạng ốm nghén:
Đồ uống | Nguyên liệu | Cách làm | Thời gian sử dụng |
Nước mía | Mía tím 300g, gừng tươi 5g. | Đem mía tím đã chuẩn bị nướng cho nóng, sau đó bỏ vỏ ép lấy nước.
Gừng tươi đem giã nhỏ cho vào nước mía quấy đều, chắt lấy nước bỏ bã chia 3 lần uống trong ngày, trước khi ăn 30 phút. |
Cần uống liền 3 – 5 ngày |
Nước ô mai | Ô mai 20 quả, gừng tươi 5g, đường đỏ 30g. | Cho vào nồi tất cả các nguyên liệu đã chuẩn bị, thêm 400ml nước đun sôi kỹ chắt lấy nước thuốc đặc, chia 3 lần uống trong ngày trước khi ăn 20 phút. | Cần uống liền 3 – 5 ngày |
Me, sấu ngâm gừng | Quả me 200g, quả sấu 200g, gừng 10g, đường trắng 30g. | Cạo bỏ vỏ ngoài quả me, quả sấu sau đó đem đồ chín, quả me bóc bỏ vỏ cứng.
Gừng đem giã nhỏ trộn với đường, sau đó cho vào cùng quả me, sấu trộn đều, đến khi đường tan hết là được. |
Ngoài ra, các mẹ có thể tham khảo thêm công thức các món ăn tại: http://viendinhduong.vn/vi/dinh-duong-ba-me/dinh-duong-cho-ba-bau-bi-nghen-nang.html
Các loại thực phẩm mẹ bầu nên kiêng trong 3 tháng đầu
Ngoài những dưỡng chất thiết yếu cần bổ sung trong 3 tháng đầu thai kỳ cho mẹ và bé, trong chế độ ăn của mẹ bầu giai đoạn này cần tránh một số loại thực phẩm[6] Theo MedicineNet, “What Foods Should Be Avoided During the First Trimester of Pregnancy?”, tra cứu tại: … Continue reading. Trong đó, gồm có:
Hải sản hoặc thịt sống nấu chưa chín

Các loại thực phẩm tươi sống có thể chứa vi khuẩn có hại gây ra nhiễm trùng và ngộ độc thực phẩm cho cơ thể của mẹ. Ăn hải sản và thịt chưa nấu chín có thể làm tăng nguy cơ nhiễm Toxoplasmosis, Salmonella hoặc Listeria. Nhiễm trùng này có thể truyền sang thai nhi trong quá trình mẹ mang thai.
Phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu cần tránh sử dụng các loại thực phẩm chưa nấu chín như: Gỏi hải sản, hải sản hun khói, thịt nguội, thịt hun khói, sushi, pate,..
Hải sản chứa thủy ngân
Như đã biết, thủy ngân là một kim loại có thể gây ảnh hưởng đến thai nhi, làm chậm sự phát triển của trẻ nhỏ, gây nên các tổn thương não và có thể ảnh hưởng đến cả thính giác và thị giác của trẻ.
Việc sử dụng các loại các có chứa hàm lượng thủy ngân cao trong bữa ăn của mẹ bầu có thể gây ra ngộ độc thủy nhân, Không những thế, khi mẹ bầu ăn cá có chứa thủy ngân trong khi mang thai, nó có thể truyền sang thai nhi và gây những ra hậu quả xấu kể trên.
Do đó, cần tránh sử dụng các loại cá như cá kiếm, cá thu vua, cá ngừ mắt to, cá tuyết… cho chế độ ăn của phụ nữ đang mang thai.
Trứng sống hoặc chưa nấu chín
Trứng là một thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, tuy nhiên không phải món ăn nào từ trứng cũng an toàn cho sức khỏe, nhất là với cơ thể của mẹ bầu trong thời kỳ mang thai.
Trong trứng sống hoặc trứng chưa nấu chín có thể chứa vi khuẩn salmonella gây ngộ độc cho mẹ và ảnh hưởng xấu tới thai nhi. Chính vì thế, trong bữa ăn của mẹ bầu cần tránh các món ăn có chứa trứng sống hoặc trứng chưa nấu mà thay vào đó là sử dụng trứng đã được nấu chín hoàn toàn.
Sữa chưa tiệt trùng và các sản phẩm từ sữa
Sữa là một trong những nguồn cung cấp canxi hàng đầu cho mẹ bầu trong thời kỳ mang thai. Trước khi sử dụng, sữa thường được tiệt trùng hoặc đun nóng để diệt vi trùng, vi khuẩn ở nhiệt ở nhiệt độ cao.
Việc sử dụng sữa chưa tiệt trùng và các sản phẩm từ sữa như phô mai có thể chứa vi khuẩn như listeria, gây hại cho sức khỏe của mẹ và ảnh hưởng không tốt đến thai nhi, thậm chí có thể dẫn đến sảy thai hoặc thai chết lưu. Do đó, phụ nữ mang thai cần tránh các loại sản phẩm từ sữa chưa được tiệt trùng.
Ngoài ra, trước khi sử dụng sữa và các sản phẩm từ sữa cho phụ nữ mang thai, cần kiểm tra xem sản phẩm đã được tiệt trùng hay chưa để đem lại cho mẹ và bé một sản phẩm an toàn sử dụng.
Các thực phẩm cay, nhiều dầu mỡ

Ba tháng đầu của thời kỳ mang thai là giai đoạn các mẹ gặp phải tình trạng ốm nghén, gây khó chịu và cản trở trong quá trình ăn uống. Việc sử dụng nhiều thực phẩm cay, nhiều dầu mỡ có thể khiến cho tình trạng ốm nghén của các mẹ trở nên trầm trọng hơn. Do đó, cần hạn chế sử dụng các loại thực phẩm này trong thai kỳ.
Rau mầm sống
Rau mầm là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, tuy nhiên khi sử dụng thực phẩm này cho phụ nữ mang thai cần phải chú ý đến cách chế biến sao cho đảm bảo an toàn với sức khỏe của mẹ và bé.
Rau mầm sống có thể chứa các vi khuẩn bên trong, rất khó rửa sạch. Các loại vi khuẩn này có thể gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe cho mẹ bầu và thai nhi. Do đó, cần tránh sử dụng mầm sống cho mẹ bầu trong thời kỳ mang thai. Khi sử dụng các đồ ăn chế biến sẵn cũng cần kiểm tra xem các đồ ăn này có chứa rau mầm sống không để tránh gây nhiễm trùng cho mẹ.
Rau hoặc trái cây chưa rửa

Rau và trái cây là một trong những nhóm thực phẩm thiết yếu trong chế độ ăn đảm bảo dinh dưỡng hàng ngày của mẹ bầu. Tuy nhiên, rau và trái cây chưa rửa có thể chứa nhiều bụi bẩn và vi trùng, vi khuẩn, các chất hóa học,.. có thể gây hại cho mẹ và thai nhi.
Vì vậy, khi sử dụng rau và hoa quả để chế biến các món ăn cho phụ nữ có thai cần đảm bảo thực phẩm đã được rửa kĩ càng, sạch sẽ. Ngoài ra, các mẹ cũng nên tránh ăn salad mà chất lượng không được đảm bảo, hạn chế ăn các loại hoa quả lạnh, trái cây có tính nóng.
Caffeine
Các thực phẩm có chứa caffeine như cà phê, socola, cacao, trà đen,…có lẽ là món ăn, đồ uống yêu thích của nhiều mẹ bầu. Tuy nhiên các thực phẩm này lại có chứa một hàm lượng caffeine cao, nếu sử dụng quá nhiều trong ngày sẽ gây ảnh hưởng xấu tới thai nhi. Caffeine có khả năng đi qua hàng rào nhau thai do đó có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển, nhịp tim của bé.
Ngoài ra, việc sử dụng caffeine có thể khiến mẹ bị khó ngủ, mất ngủ, bồn chồn, lo lắng, hơn thế nữa lượng caffeine dư thừa có thể làm tăng nguy cơ sảy thai trong 3 tháng đầu của thai kỳ.
Theo khuyến cáo, lượng caffeine hàng ngày của mẹ nên ít hơn 200 miligam, tương đương với một tách cà phê 12 ounce.
Rượu, bia

Trong thành phần của rượu, bia đều có chứa cồn, tuy lượng cồn có trong bia thấp hơn so với rượu nhưng không có lượng cồn nào là an toàn để mẹ tiêu thụ trong thời kỳ mang thai.
Rượu, bia không chỉ gây tác động không tốt tới sức khỏe của mẹ mà còn ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển của bé, nhất là trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Do đó, mẹ cần hoàn toàn tránh sử dụng rượu, bia trong thời kỳ mang thai để có thể đem đến cho bé một môi trường phát triển tốt nhất có thể.
Bài viết trên đây của chúng tôi là những thông tin cần thiết về chế độ dinh dưỡng thiết yếu của mẹ bầu trong 3 tháng đầu của thai kỳ, mong rằng bài viết sẽ đem đến cho các mẹ những thông tin bổ ích giúp mẹ có một thai kỳ khỏe mạnh. Bên cạnh đó ngoài việc bổ sung đầy đủ các dưỡng chất thông qua chế độ ăn hằng ngày, các mẹ nên đi khám thường xuyên để nắm bắt được tình hình sức khỏe thai nhi và nhận được sự tư vấn cần thiết từ bác sĩ.
Tài liệu tham khảo
↑1 | Theo WebMD, “The First Trimester: Your Baby’s Growth and Development in Early Pregnancy”, xem tại: https://www.webmd.com/baby/1to3-months, Truy cập ngày 20/03/2022 |
---|---|
↑2 | Theo Entertainment Times, “Why is the first trimester of your pregnancy crucial?”, xem tại: https://timesofindia.indiatimes.com/life-style/parenting/pregnancy/why-the-first-trimester-of-your-pregnancy-is-crucial/,Truy cập ngày 20/03/2022 |
↑3 | Theo Viện dinh dưỡng quốc gia. “Nhu cầu chất đạm (protein) với phụ nữ trong thời kỳ có thai”, xem tại: http://1000ngayvang.viendinhduong.vn/vi/dd-cho-ba-me-khi-mang-thai-280-ngay.nd89/1000ngayvangviendinhduongvn.i424.html, Truy cập ngày 20/03/2022 |
↑4 | Theo Viện dinh dưỡng quốc gia, “Vai trò của acid folic trong dự phòng dị tật thai nhi”, xem tại: http://viendinhduong.vn/vi/dinh-duong-ba-me/vai-tro-cua-acid-folic-trong-du-phong-di-tat-thai-nhi.html, Truy cập ngày 20/03/2022 |
↑5 | Theo Sở Y tế tỉnh Nam Định, “Chế độ dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai 3 tháng đầu”, xem tại: https://soyte.namdinh.gov.vn/home/hoat-dong-nganh/giao-duc-suc-khoe/che-do-dinh-duong-cho-ba-me-mang-thai-3-thang-dau-1898, Truy cập ngày 20/03/2022 |
↑6 | Theo MedicineNet, “What Foods Should Be Avoided During the First Trimester of Pregnancy?”, tra cứu tại: https://www.medicinenet.com/foods_avoided_during_the_first_trimester_pregnancy/article.htm, Truy cập ngày 20/03/2022 |